Lượt xem: 604

Công tác phòng, chống mua bán người tại Sóc Trăng

Ngày 30-7 hằng năm được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Để hiểu thêm vấn đề này, Cộng tác viên Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh vừa có cuộc phỏng vấn thiếu tá Mã Minh Chiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

    CTV: Thưa thiếu tá, xin đồng chí cho biết thực trạng mua bán người trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

    Thiếu tá Mã Minh Chiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng

    Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, qua kết quả thống kê, rà soát, trong những năm gần đây, chưa phát hiện trường hợp mua bán người xảy ra. Tuy nhiên, qua công tác nghiệp vụ của ngành công an, cũng như qua các hoạt động xã hội của các ban ngành, đoàn thể, đã phát hiện, nổi lên là tình trạng môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp; chủ yếu vẫn là kết hôn với người Trung Quốc, Đài Loan… hoặc là môi giới, hợp tác lao động nước ngoài vẫn còn diễn ra.


Thiếu tá Mã Minh Chiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng trả lời phỏng vấn
 

    Về phương thức hoạt động của đối tượng vẫn là: Dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ, lôi kéo chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài hoặc giới thiệu việc làm ở các thành phố lớn, lao động hợp tác với nước ngoài với mức lương cao, hấp dẫn để đưa nạn nhân đi bán hoặc giới thiệu việc làm cho nạn nhân sau đó bóc lột sức lao động của nạn nhân, kể cả ở trong nước hoặc ra nước ngoài.

    Bên cạnh đó, do nhu cầu ổn định cuộc sống và ảnh hưởng của xu hướng lấy chồng nước ngoài để đổi đời, nên một số chị em phụ nữ vì muốn có cuộc sống thoải mái, đầy đủ hơn nên đã chấp nhận và tự nguyện rời bỏ quê hương để lấy chồng nước ngoài thông qua các đối tượng là: Cò mồi, môi giới… nên đã có không ít người bị rơi vào các đường dây của bọn buôn người.

    Nổi lên trong thời gian gần đây là tình trạng môi giới kết hôn với người nước ngoài, chiếm đa số là kết hôn với người Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng, bằng thủ đoạn câu móc môi giới đưa phụ nữ ra nước ngoài dưới hình thức đi du lịch, đi lao động (mục đích để lấy chồng), sau đó về Việt Nam làm các thủ tục để kết hôn và cũng có không ít trường hợp bị ngược đãi, phải yêu cầu đến các cơ quan chức năng để được giải cứu.

    Qua thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 06 đơn, thư tố giác của các gia đình nạn nhân có con đi lấy chồng bên Trung Quốc bị ngược đãi và yêu cầu được giải cứu trở về đoàn tụ với gia đình. Qua đó, lực lượng công an tỉnh đã kết hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội (cụ thể là tổ chức Rồng xanh) đã giải cứu thành công 09 nạn nhân trở về đoàn tụ với gia đình gia gồm: Thành phố Sóc Trăng 04 trường hợp, huyện Mỹ xuyên và huyện Trần Đề mỗi nơi 02 trường hợp; huyện Long Phú 01 trường hợp.

    CTV: Việc phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh được tăng cường bằng những hình thức gì thưa thiếu tá?

    Thiếu tá Mã Minh Chiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng

    Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tỉnh, trực tiếp là chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự, với vai trò là cơ quan Thường trực đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; trong đó có tội phạm mua bán người. Nổi bật là:

    (1) Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020;

    (2) Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2020 - 2022;

    (3) Tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt Dự án 4 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người”;

    (4) Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch số 11 ngày 23/4/2020 về triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7/2020”.

    Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh mà Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đa dạng về hình thức, phong phú và sâu sắc về nội dung, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa bàn vừa làm cho mọi người thấy được phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, nguyên nhân, hậu quả và những quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống và tố giác, đấu tranh với các hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, hoạt động mua bán người, cụ thể là:

    (1) Thông qua công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, đã phát động các phong trào như: Xây dựng khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá, phường, xã an toàn không có tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

    (2) Củng cố các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, dân phòng, dân phố… đưa nội dung phòng, chống tội phạm mua bán người vào các tổ chức này để tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chính trị trong cộng đồng dân cư.

    Bên cạnh đó, cũng với vai trò là cơ quan Thường trực, Phòng Cảnh sát hình sự đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện trong lực lượng công an. Qua đó, công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đáng kể trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người trên địa bàn của tỉnh.

    Mặt khác, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng Cảnh sát hình sự đã tập trung chỉ đạo lực lượng nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; đồng thời, xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh. Xác định, lên danh sách số đối tượng, tổ chức, đường dây có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em, để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh, triệt phá.

    CTV: Xin đồng chí cho biết những định hướng trong thời gian tới để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả?

    Thiếu tá Mã Minh Chiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng

    Để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thì với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát hình sự sẽ:

    (1) Tiếp tục tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Trong đó, chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng nông thôn, kinh tế kém phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do.

    (2) Tham mưu Ban Chủ nhiệm Dự án 4 của tỉnh tiến hành tổng kết việc thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người”. Qua đó, sẽ làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

    (3) Chủ động đề xuất tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống mua bán người như: Đưa tin tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình, các trang mạng xã hội (zalo, facebook...) để phổ biến pháp luật, kịp thời thông báo về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa của người dân. Chú trọng lựa chọn thời điểm phù hợp từng địa phương để phát huy hiệu quả cao nhất trong phòng ngừa tội phạm mua bán người.

    (4) Thiết lập, duy trì, phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử trên mạng internet… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm mua bán người.

ĐOAN TRANG



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 48
  • Hôm nay: 2247
  • Trong tuần: 72,674
  • Tất cả: 11,804,681